Hàng ngày nhìn thấy vô số tin tuyển dụng nhân viên telesales, bạn thắc mắc vị trí này làm công việc gì mà cần tuyển số lượng nhiều đến vậy. Hãy đọc ngay bài viết sau để có câu trả lời rõ ràng nhất nhé.
1. Telesales là làm gì?
Đây là một bộ phận đóng vai trò quan trọng trong việc tìm nguồn khách hàng tiềm năng, mở rộng và duy trì mạng lưới khách hàng cho công ty, doanh nghiệp. Bộ phận này góp công lao to lớn cho chiến lược quảng bá thương hiệu cũng như doanh số bán hàng cho công ty.
Nhân viên bán hàng qua điện thoại (telesales) là những người chịu trách nhiệm liên hệ trực tiếp với khách hàng thông qua điện thoại để bán hàng hoặc hỗ trợ kinh doanh bằng cách thiết lập cuộc hẹn hoặc đánh giá khách hàng tiềm năng.
Vai trò của họ có thể tìm thấy ở nhiều ngành nghề và liên quan đến cả B2B hay B2C. Telesales thường có hai mảng: inbound và outbound. Người tư vấn inbound sẽ tiếp nhận cuộc gọi đến của khách hàng, trong khi người tư vấn outbound sẽ gọi điện tới các khách hàng tiềm năng để phục vụ mục đích kinh doanh.
2. Công việc của telesales hàng ngày là gì?
Các nhiệm vụ chủ yếu của telesales có thể kể đến như:
- Gọi điện thoại cho khách hàng tiềm năng để chào hàng về sản phẩm/dịch vụ
- Tìm hiểu thông tin và nhu cầu của khách hàng qua điện thoại
- Tư vấn, đàm phán, thuyết phục khách hàng sử dụng dịch vụ hoặc mua hàng của công ty
- Lưu trữ lịch sử cuộc gọi với khách hàng để xây dựng kho thông tin hữu ích
- Quản lý thông tin khách hàng và liên tục cập nhật trên hệ thống cơ sở dữ liệu
- Xây dựng mối quan hệ với khách hàng bằng cách tập trung vào nhu cầu mong muốn của khách hàng và chốt sales
- Xử lý khiếu nại kịp thời để bảo vệ danh tiếng của công ty
- Phối hợp với các nhân viên kinh doanh và nhân viên các phòng ban khác để đạt mục tiêu kinh doanh
- Báo cáo với cấp trên về tiến độ và kết quả kinh doanh hàng tuần
3. Những yêu cầu cơ bản khi tuyển dụng telesales
- Tốt nghiệp THPT trở lên
- Có kinh nghiệm làm việc ở vị trí nhân viên telesales hoặc các vị trí khác liên quan đến sales/chăm sóc khách hàng
- Quen thuộc với các phần mềm quản trị khách hàng và hệ thống điện thoại
- Thành thạo các kĩ năng bán hàng, giao tiếp và đàm phán
- Bình tĩnh, có khả năng xử lý các tình huống bị từ chối hoặc các vấn đề phát sinh
4. Kỹ năng quan trọng đối với telesales
- Nắm vững kiến thức về sản phẩm
Trước khi muốn bán hàng thì đầu tiên bạn phải trải qua giai đoạn đào tạo kiến thức đầy đủ về đặc điểm, lợi ích, tính năng và tin tưởng vào sản phẩm dịch vụ mình cung cấp. Thêm vào đó là thông tin khách hàng, tập trung vào nhu cầu, sở thích để có lời chào thích hợp và thu hút. Xác định càng rõ được khách hàng tiềm năng càng giúp bạn tiếp cận nhanh và hiệu quả.
- Hiểu rõ về đối thủ cạnh tranh
Sau khi đã nắm vững sản phẩm và biết được khách hàng tiềm năng thì bạn cần tìm hiểu đối thủ cạnh tranh của mình. Sản phẩm của họ là gì, khách hàng dùng sản phẩm của họ là ai, họ quảng cáo sản phẩm và tư vấn như nào ? Đưa ra những ưu điểm vượt trội so với cùng loại sản phẩm, ưu đãi, đặc quyền để thuyết phục khách hàng chuyển sang hãng mình mua hàng.
- Nắm bắt được thông tin khách hàng
Hãy xác định những khách hàng tiềm năng để liên hệ với họ sớm nhất trước khi bị các hãng cạnh tranh “hớt tay trên”. Tuy nhiên đừng mải mê khách hàng “hot” mà bỏ qua những “khách hàng dự định” nhé, có thể thời điểm hiện tại họ không có nhu cầu lớn dùng sản phẩm nhưng nếu được chăm sóc kỹ thì thời gian tới những người này sẽ mang về lợi nhuận lớn cho doanh nghiệp.
- Giữ mối quan hệ lâu dài với khách hàng
Kết thúc cuộc gọi bán hàng không phải là kết thúc tất cả. Đừng quên hứa hẹn về chế độ bảo hành, giải đáp mọi thắc mắc khi khách hàng sử dụng sản phẩm dịch vụ. Một vị khách cũ có thể giới thiệu cho bạn rất nhiều vị khách mới nên hãy nhớ kỹ điều này trước khi kết thúc bất kỳ cuộc gọi nào.
Hy vọng bài viết trên đây đã giải đáp được câu hỏi telesales là công việc gì hay telesales là gì của bạn. Đây là một trong những nghề có xu hướng phát triển mạnh mẽ trong những năm tới đây, vì vậy nếu bạn tự tin với khả năng của mình thì đừng ngại ngần thử sức nhé.