Nghề telesales có yêu cầu tuyển dụng đơn giản mà lại không quá khó để đạt mức thu nhập cao.
Trên thị trường hiện nay, nghề telesales đang khan hiếm nhân lực, không phải vì bản chất công việc đòi hỏi cao mà lý do chính là nhu cầu sử dụng telesales trong kinh doanh hiện nay đang quá lớn.
1. Telesales là nghề gì?
Nhân viên telesales là những cá nhân hoặc một bộ phận trong doanh nghiệp, họ làm nhiệm vụ tiếp xúc với khách hàng và bán hàng qua điện thoại. Khác với nhân viên sales phải đến trực tiếp địa điểm của khách hàng để chào hàng, nhân viên telesales tìm kiếm khách hàng và tư vấn, chốt đơn hàng với họ thông qua phương tiện giao tiếp phổ biến là điện thoại.
Hoạt động kinh doanh này ngày càng phổ biến và được đánh giá là một nhánh quan trọng trong bán hàng bởi xu hướng mua hàng trực tuyến, đặt hàng qua điện thoại hay ứng dụng web ngày càng tăng. Hơn thế nữa, khách hàng ngày nay cũng không có quá nhiều thời gian để chủ động ghé thăm cửa hàng, nhận tư vấn trực tiếp từ nhân viên bán hàng. Vì vậy, nhân viên bán hàng qua điện thoại ra đời như một giải pháp bán hàng mới để chăm sóc khách hàng nhanh chóng và phục vụ thói quen mua hàng mới của nhiều khách hàng ngày nay.
2. Một số yêu cầu tuyển dụng chính với nghề telesales là gì?
Đây là công việc không đòi hỏi quá cao về bằng cấp nhưng ứng viên cũng cần đáp ứng được một số tiêu chí như:
- Tốt nghiệp Trung học phổ thông trở lên
- Có kiến thức về tin học cơ bản cũng như điện thoại, biết sử dụng các phần mềm quản lý bán hàng hay quản trị hệ thống doanh nghiệp là điểm cộng
- Giao tiếp tốt, khéo léo
- Diễn đạt gãy gọn, dễ hiểu
- Không mắc các tật như nói ngọng, nói lắp, hạn chế sử dụng tiếng địa phương
- Có kỹ năng xử lý tình huống và giải quyết vấn đề nhanh nhạy
- Có kỹ năng tìm hiểu, tìm kiếm thông tin
3. Thu nhập nghề telesales
Giống như nhân viên sales, thu nhập telesales cũng được chia thành 2 phần: lương cứng và hoa hồng. Mức lương cứng thường khá thấp, do vậy nhân viên telesales sống dựa chủ yếu vào tiền hoa hồng. Mức hoa hồng được tính dựa trên phần doanh số vượt qua chỉ tiêu.
Ví dụ, theo chính sách của công ty, bạn được hưởng hoa hồng 10%/ sản phẩm có giá trị 500.000 đồng. Chỉ tiêu của bạn trong tháng là 10 triệu đồng, nếu bạn bán được 15 triệu đồng trong tháng đó thì tiền hoa hồng sẽ được tính = (15.000.000 - 10.000.000)x10% = 500.000 đồng
4. Dữ liệu khách hàng
Danh sách khách hàng để telesales liên hệ có thể thu thập được từ nhiều nguồn thông tin khác nhau. Một số sẽ do bộ phận Marketing hoặc phát triển kinh doanh cung cấp. Những dữ liệu này thu thập được thông qua các chương trình quảng bá hoặc bán hàng trên web, chương trình dùng thử, sự kiện... Số khác có thể do công ty mua lại từ các bên cung cấp dữ liệu tệp khách hàng. Ngoài ra, trong quá trình làm việc, nhân viên telesales có thể cũng được yêu cầu tìm kiếm khách hàng bằng cách riêng của mình.
5. Con đường phát triển của nghề telesales là gì?
Từ vị trí nhân viên telesales, nếu trau dồi tốt và gặt hái được những thành công nhất định, bạn có thể phát triển sự nghiệp bán hàng lên các vị trí trợ lý/ thư ký bán hàng, quản lý, giám đốc bán hàng hay giám đốc. Nghề telesales tuy dễ nhưng cũng mang nhiều thách thức đòi hỏi sự bản lĩnh lớn như áp lực doanh số, khách hàng khó tính, không chốt được đơn hàng…. Vì vậy, một nhân viên telesales cần không ngừng học hỏi và rèn luyện nếu muốn gắn bó với nghề này lâu dài.