Telesales là một trong những nghề phổ biến hiện nay với nhu cầu tuyển dụng rất lớn.
Telesales nghĩa là gì?
Telesales là một phương thức bán hàng trực tiếp cho khách hàng qua điện thoại. Trong đó, nhân viên bán hàng chủ động gọi ra cho khách hàng, tư vấn và khơi gợi nhu cầu của khách hàng để họ ra quyết định mua sản phẩm, dịch vụ.
Phân biệt telesales và telemarketing
Telemarketing là quá trình truyền thông tới khách hàng tiềm năng, tạo ra cơ hội để doanh nghiệp và khách hàng tìm hiểu về nhau, từ đó tạo ra cơ hội bán hàng. Như vậy, có thể thấy telesales là bước thực hiện sau telemarketing, có nhiệm vụ chốt sales sau khi có được thông tin khách hàng từ bước telemarketing.
Mô tả công việc của telesales là gì?
Với mỗi dự án hoặc doanh nghiệp khác nhau, mô tả công việc của nhân viên telesales sẽ không giống nhau. Tuy nhiên, nhìn chung công việc của telesales sẽ bao gồm một số đầu việc như:
- Liên hệ với khách hàng theo dữ liệu đã có. Trong một danh sách rất nhiều khách hàng, nhân viên telesales cần lọc ra những khách hàng tiềm năng có liên quan nhất tới sản phẩm, dịch vụ của mình. Sau đó, nghiên cứu kỹ thông tin của họ và liên hệ qua điện thoại theo kịch bản đã xây dựng.
- Chốt đơn hàng: thuyết phục khách hàng qua điện thoại để họ đồng ý mua hàng hoặc đặt hàng ngay tại thời điểm đó.
- Lên lịch hẹn với khách hàng: đặt lịch gặp mặt trực tiếp để tiếp tục tư vấn hoặc cho khách hàng xem tận mắt sản phẩm nếu cần thiết, nhất là những sản phầm, dịch vụ có giá trị cao.
- Trực điện thoại và tư vấn, bán hàng nếu có khách hàng trực tiếp liên hệ qua điện thoại.
- Báo cáo tiến độ và hiệu quả công việc như: doanh số, số cuộc gọi, số cuộc hẹn...
Kỹ năng cần có để trở thành một telesales giỏi là gì?
- Kiên trì: tỉ lệ chốt đơn thành công của telesales thường khá thấp so với các hình thức bán hàng khác. Sau hàng chục cuộc điện thoại mới có một đơn hàng thành công và nhân viên telesales thường phải làm quen với việc bị khách hàng từ chối tiếp chuyện, từ chối mua hàng hay hẹn gặp. Do đó, nghề telesales đòi hỏi nhân viên phải có sự kiên trì, bền bỉ rất cao.
- Nhạy cảm, nắm bắt tâm lý khách hàng: đây là tố chất quan trọng đối với nhân viên sales nói chung và telesales nói riêng. Chỉ khi bạn thấu hiểu khách hàng của mình, bạn mới có thể đưa ra phương án tiếp cận phù hợp và hướng họ tới cách giải quyết bằng sản phẩm, dịch vụ của mình.
- Kiểm soát cảm xúc: mỗi ngày khách hàng có thể nhận được nhiều cuộc gọi telesales khác nhau khiến họ dễ phản ứng cáu gắt và bất lịch sự, hoặc đôi khi nhân viên telesales cũng gặp khó khăn trong giao tiếp, truyền đạt với khách hàng. Tuy vậy, một nhân viên telesales chuyên nghiệp luôn phải giữ thái độ lịch sự, hòa nhã nhằm tạo dựng được mối quan hệ tốt cũng như giữ gìn hình ảnh thương hiệu của công ty.
- Linh hoạt: mặc dù trước khi thực hiện cuộc gọi, nhân viên telesales đã trang bị cho mình kịch bản, tuy nhiên với mỗi khách hàng câu chuyện sẽ đi theo những hướng khác nhau. Do đó, nhân viên cần tùy biến và thay đổi tùy từng hoàn cảnh để cuộc nói chuyện diễn ra tự nhiên nhất mà vẫn đạt được mục đích cuối cùng là bán hàng.
Bài viết trên đây đã giải đáp thắc mắc cho những ai đang mơ hồ telesales là gì. Mỗi ngành nghề đều có yêu cầu riêng dành cho những người muốn theo đuổi và chinh phục nó, hãy tạo cho mình cơ hội phát triển cùng mức thu nhập xứng đáng với nghề telesales nếu bạn yêu thích nhé.